Cộng đồng Irkutsk 2.jpg

     Ngày 31/7/2023 Đại sứ Đặng Minh Khôi và đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã có cuộc gặp, làm việc với cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Irkutsk trong khuôn khổ chuyến công tác tại địa phương. Chuyến thăm của Đại sứ và đoàn công tác được cộng đồng tại Irkutsk đón nhận rất tích cực, bà con rất cảm động được Đại sứ thăm hỏi, động viên và lắng nghe tâm tư.

     Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Irkutsk, ông Nguyễn Quang Dương cho biết cộng đồng ta tại Irkutsk làm ăn quy củ, đoàn kết, có quan hệ tốt với chính quyền, lãnh đạo tỉnh có thiện cảm với cộng đồng người Việt Nam. Cộng đồng tại Irkutsk luôn quan tâm nhau, đùm bọc nhau, đặc biệt, trong đại dịch covid-19 đã luôn động viên bằng tinh thần và vật chất cho bà con người Việt bị nhiễm covid. Ngoài ra, hàng năm Hội tổ chức gặp mặt cộng đồng vào dịp lễ tết, ngày lễ phụ nữ 8/3, ngày 20/10, Tết thiếu nhi, Tết Trung thu…

     Tại cuộc gặp, Đại sứ Đặng Minh Khôi vui mừng nhận thấy cộng đồng người Việt Nam tại Irkutsk, vùng Sibiri khắc nghiệt, một địa phương xa thủ đô Moscow, là một cộng đồng tiêu biểu tại Liên bang Nga, đại đa số bà con có giấy tờ hợp pháp, luôn đoàn kết, hoạt động có tổ chức, chịu khó làm ăn, gắn bó cùng nhau vượt qua mọi khó khăn và luôn tuân thủ tốt luật pháp sở tại. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam tại Irkutsk có nhiều cháu học sinh giỏi, được tỉnh trao tặng bằng khen và huy chương vàng về học tập. Đại sứ bày tỏ vui mừng khi cộng đồng tại Irkutsk gắn bó với địa phương nhưng không quên Quê hương, luôn hướng về Việt Nam, đồng thời biểu dương việc cộng đồng tại Irkutsk luôn gìn giữ tiếng Việt cho con em thế hệ thứ 2, thứ 3.

     Đại sứ Đặng Minh Khôi đề nghị Hội người Việt Nam tại Irkutsk tiếp tục phát huy tinh thần đùm bọc lẫn nhau, thường xuyên gặp gỡ cập nhật thông tin, chăm chỉ làm ăn, tiếp tục không ngừng đóng góp cho địa phương và Quê hương Việt Nam và khẳng định Đại sứ quán luôn là chỗ dựa cho bà con.

     Hội người Việt Nam tại Irkutsk được thành lập năm 2017. Cộng đồng người Việt Nam tại Irkutsk hình thành từ thập niên 1990, đa phần là học viên cao học và giảng viên đại học sang bồi dưỡng nghiệp vụ rồi ở lại khi Liên Xô tan rã, một số là lao động xuất khẩu ở lại sau khi hết hợp đồng, một bộ phận khác sang Nga từ năm 2000 đến nay qua con đường du lịch rồi ở lại làm ăn. Trước đây có 700 bà con và 200 du học sinh, tuy nhiên, sau đại dịch covid-19, cộng đồng còn khoảng 30 hộ gia đình, 14 sinh viên. Hiện nay đa số cộng đồng đi chợ, một số ít làm quán ăn Việt Nam. 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​